Đăng ký
Thành viên VAT Corporation
VAT tham dự chương trình chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển vùng nguyên liệu
Chuyển đổi số trong nông nghiệp: Xu thế tất yếu để phát triển bền vững
Trong bối cảnh chuyển đổi số diễn ra sâu rộng trên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, việc ứng dụng công nghệ số vào hoạt động xúc tiến thương mại đang trở thành xu thế tất yếu, đặc biệt đối với ngành nông nghiệp – lĩnh vực vốn còn nhiều hạn chế về tiếp thị và kết nối thị trường.
Nền tảng số không chỉ mở ra cơ hội tăng trưởng mà còn đặt nền móng cho sự phát triển bền vững trong dài hạn. Tuy nhiên, để chuyển đổi số thực sự hiệu quả, các doanh nghiệp nông nghiệp cần vượt qua những thách thức lớn về năng lực công nghệ, nhân lực và tư duy kinh doanh.
Chuyển đổi số - “chìa khóa” nâng cao năng suất
Theo ông Phạm Văn Quân, chuyên gia Chuyển đổi số Quốc gia, Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Checkee, chuyển đổi số không đơn thuần là cơ hội, mà đã trở thành yếu tố sống còn đối với cộng đồng doanh nghiệp hiện nay. Đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp, chuyển đổi số giúp nâng cao năng suất, tối ưu hóa chi phí và đáp ứng linh hoạt nhu cầu thị trường.
“Nhiều doanh nghiệp đang ứng dụng chuyển đổi số trong truy xuất nguồn gốc sản phẩm, bán hàng đa kênh, kết hợp các nền tảng trực tuyến và truyền thống để mở rộng mạng lưới phân phối và tiếp cận khách hàng hiệu quả hơn. Doanh nghiệp cũng ứng dụng công nghệ trong phân tích dữ liệu thời tiết, hành vi người tiêu dùng, năng suất cây trồng để đưa ra quyết định kịp thời, chính xác, triển khai thiết bị bay không người lái (drone), hệ thống cảm biến, tưới tiêu thông minh nhằm tiết kiệm chi phí và giảm phụ thuộc vào lao động thủ công” - ông Phạm Văn Quân nhận định.
Bên cạnh đó, trí tuệ nhân tạo (AI) đang mở ra những khả năng mới trong hoạt động xúc tiến thương mại, đặc biệt trên các nền tảng thương mại điện tử. Nghiên cứu sinh, Tiến sĩ Lê Văn (Trung tâm Nghiên cứu Ứng dụng Thương mại điện tử và Kinh tế số - CADE) cho biết, AI có thể hỗ trợ doanh nghiệp dự đoán thời điểm bán hàng hiệu quả dựa trên hành vi người tiêu dùng; tối ưu hóa tiêu đề và mô tả sản phẩm cho phù hợp với xu hướng tìm kiếm; vận hành chatbot tự động tư vấn, chăm sóc khách hàng; và tiếp cận lại người mua tiềm năng một cách có chiến lược. Tuy nhiên, ông Lê Văn cũng nhấn mạnh rằng AI chỉ là công cụ hỗ trợ. Việc ứng dụng hiệu quả hay không phụ thuộc rất lớn vào năng lực quản trị, hiểu biết thị trường và khả năng vận hành của đội ngũ nhân sự trong doanh nghiệp.
VAT Corporation đồng hành trong chương trình chuyển đổi số và phát triển vùng nguyên liệu
Khẳng định vai trò tiên phong trong việc hiện thực hóa chuyển đổi số ngành nông nghiệp, Công ty VAT Corporation đã chính thức tham gia Chương trình chuyển đổi số nông nghiệp và phát triển vùng nguyên liệu, do CADE (Trung tâm Ứng dụng Khoa học Công nghệ) tổ chức ngày 4/4/2025.
Chương trình là một sáng kiến trọng điểm nhằm hỗ trợ doanh nghiệp ứng dụng công nghệ số trong toàn bộ chuỗi giá trị – từ sản xuất, truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng cho đến tiếp cận thị trường trong nước và quốc tế. Tham gia chương trình, VAT Corporation mang đến những mô hình ứng dụng thực tiễn trong truy xuất nông sản bằng mã QR, quản lý vùng nguyên liệu qua nền tảng số, và sử dụng cảm biến IoT để giám sát chất lượng sản phẩm ngay từ khâu thu hoạch.
Đại diện công ty cho biết: “Việc tham gia chương trình không chỉ giúp chúng tôi tiếp cận những công nghệ mới, mà còn tạo cơ hội kết nối với các đơn vị nghiên cứu, cơ quan quản lý và các đối tác tiềm năng trong và ngoài nước. Đây là bước đi quan trọng để đẩy mạnh phát triển vùng nguyên liệu chất lượng cao và xây dựng thương hiệu nông sản Việt trên thị trường quốc tế.”
Phân tích thị trường - Nền tảng xây dựng chiến lược bền vững
Theo ông Nguyễn Minh Phúc, Giám đốc CADE, việc phân tích thị trường không thể tách rời khỏi quá trình chuyển đổi số. Đây là bước đi chiến lược nhằm giúp doanh nghiệp nhận diện cơ hội, đánh giá rủi ro, và xây dựng các phương án kinh doanh phù hợp với từng giai đoạn phát triển.
Việc đầu tư bài bản vào phân tích xu hướng tiêu dùng, chính sách nhập khẩu của các thị trường mục tiêu, cũng như hành vi cạnh tranh trên các nền tảng thương mại điện tử sẽ giúp doanh nghiệp không chỉ mở rộng thị phần mà còn nâng cao khả năng thích ứng với biến động toàn cầu.
Dù hiểu rõ tầm quan trọng của chuyển đổi số, nhiều doanh nghiệp nông nghiệp vẫn gặp không ít khó khăn trong quá trình tiếp cận và triển khai.
Hành trình không đơn độc
Ông Lê Thanh Thiệt, chủ cơ sở sản xuất tôm Ngọc Thiệt (Kiên Giang), cho biết trở ngại lớn nhất là sự thiếu hụt kiến thức công nghệ, kỹ năng vận hành và pháp lý thương mại điện tử. “Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ từ các hiệp hội hoặc chương trình chuyển đổi số, không chỉ dừng lại ở việc đưa hàng lên sàn, mà còn hướng dẫn cụ thể các bước pháp lý và kỹ năng vận hành để doanh nghiệp nông nghiệp có thể tiếp cận thị trường số một cách an toàn và hiệu quả.”
Chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại là xu thế không thể đảo ngược. Đây không phải là "chiếc đũa thần," mà là một chiến lược dài hạn, đòi hỏi doanh nghiệp nông nghiệp phải đầu tư nghiêm túc vào hạ tầng công nghệ, nâng cao năng lực quản trị và thay đổi tư duy kinh doanh. Tuy nhiên, doanh nghiệp không đơn độc trên hành trình này. Ngày càng có nhiều chương trình, chính sách hỗ trợ từ Nhà nước, hiệp hội ngành hàng và các tổ chức chuyển đổi số – như chương trình của CADE mà VAT Corporation tham dự – đang được triển khai mạnh mẽ và thực chất.
Với sự đồng hành của khu vực công và tư, tinh thần đổi mới, dám nghĩ dám làm từ doanh nghiệp, chuyển đổi số sẽ là “chìa khóa vàng” để nông nghiệp Việt Nam bứt phá, phát triển bền vững và hội nhập sâu rộng với thế giới.
nguồn: qdnd.vn