Đăng ký
Thành viên VAT Corporation
Ứng dụng AI giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường
Ứng dụng AI giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường
Tú San Thứ sáu, ngày 28/03/2025 13:47 GMT+7
Trong khuôn khổ Hội chợ Hàng Việt Nam tiêu biểu xuất khẩu 2025 diễn ra từ 27-29/3 tại TP.HCM, chương trình talkshow với nội dung “Ứng dụng AI cho doanh nghiệp và thương mại điện tử (TMĐT) dành cho hàng nông sản” thu hút các đơn vị doanh nghiệp tham gia tại hội chợ.
Triển vọng tăng trưởng xuất khẩu nông sản thông qua TMĐT
Ngành nông sản Việt Nam ngày càng được chú trọng nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vệ sinh thực phẩm và truy xuất nguồn gốc. Hiện rất nhiều sản phẩm nông sản Việt Nam đã được cấp các chứng nhận quốc tế như VietGAP, GlobalGAP, Organic, Halla, mã vùng trồng...
Với sự phát triển của công nghệ và thương mại điện tử, nông sản Việt Nam đang có nhiều cơ hội để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Ông Lê Thanh Liêm – Phó Tổng Giám đốc sàn TMĐT Felix trình bày trong chương trình. Ảnh: Tú San
Chia sẻ trong buổi talkshow, ông Lê Thanh Liêm – Phó Tổng Giám đốc sàn TMĐT Felix cho biết: "Cho đến hiện tại, Felix.store đã tạo được nền tảng TMĐT của mình với trên 150.000 hội viên, chủ yếu là các chủ doanh nghiệp, và các hợp tác xã trực thuộc Hội Nông dân của 28 tỉnh thành phía Nam trực tiếp sản xuất. Trong đó, một số sản phẩm như sầu riêng, gạo, dừa là những sản phẩm mà Felix đã xúc tiến cho các doanh nghiệp trên sàn TMĐT cung cấp sang thị trường Trung Quốc. Hay như các sản phẩm ổi nữ hoàng, bưởi da xanh, chanh không hạt cũng xuất sang thị trường Mỹ, Úc, Canada…
Với hạng mục sản phẩm chuyên biệt là B&B nên Felix đang tập trung vào hỗ trợ nguồn tiêu thụ cho các member hoạt động trên nền tảng Felix.store đồng thời cũng hỗ trợ cho các doanh nghiệp trực tiếp sản xuất nông sản được tiếp cận các nguồn cung cấp về nguyên liệu sản xuất (phân bón, thuốc BVTV…). Cho nên, lợi thế cạnh tranh của Felix với các nền tảng TMĐT khác chính là hoạt động bao tiêu đầu ra cho nhà cung cấp".
Ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp tăng lợi thế cạnh tranh khi tham gia thị trường
Bên cạnh các điều kiện thuận lợi từ TMĐT, việc ứng dụng AI sẽ giúp doanh nghiệp tham gia kinh doanh trên nền tảng TMĐT. Theo đó, tính đến năm 2023, quy mô thị trường AI toàn cầu ước tính trị giá 454,12 tỷ USD. Trong đó thị trường AI ở Bắc Mỹ là lớn nhất thế giới, chiếm 36,84% thị phần. Với tốc độ tăng trưởng 19% mỗi năm, giá trị thị trường AI có thể vượt 2.500 tỷ USD vào năm 2032.
Ông Lê Quốc Khôi (chuyên gia AI công ty ENGMA) tham vấn tại buổi talkshow. Ảnh Tú San
Một ví dụ về sử dụng AI ở Mỹ sẽ cho chúng ta thấy khái quát về thị trường AI cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME). Cụ thể, Chính phủ Mỹ đã chi 3,28 tỷ USD cho đầu tư vào AI trong năm 2022. Việc ứng dụng phổ biến nhất của AI trong kinh doanh là dịch vụ khách hàng (56%) và AI được dự đoán sẽ đóng góp mức tăng ròng 21% vào GDP của Mỹ vào năm 2030. Bên cạnh đó, hơn một nửa (56%) người Mỹ thường xuyên tương tác với AI và chỉ có 10% chủ doanh nghiệp SME biết cách sử dụng AI, trong khi hơn 2/3 không biết hoặc biết rất ít về AI nói chung.
Vì thế, áp dụng AI cho doanh nghiệp nông nghiệp SME ở Việt Nam sẽ phải cung cấp các chương trình đơn giản như tự động, tối ưu hóa quá trình tìm kiếm bằng chuỗi công cụ, điều này sẽ giúp doanh nghiệp SME xác định kênh phân phối lẫn quyết định giá, sau đó sẽ là quản lý, khai thác kiến thức doanh nghiệp, cũng như tự động và tối ưu hóa các kênh chăm sóc khách hàng qua các công cụ AI phổ biến (Chatbot, Chat GPT…).
Ông Lê Quốc Khôi (chuyên gia AI công ty ENGMA) cũng đưa kiến nghị khi doanh nghiệp SME ứng dụng AI tham gia vào thị trường: "Doanh nghiệp SME cần thực hiện chuyển đổi số thông qua việc số hóa kiến thức doanh nghiệp, đồng thời doanh nghiệp phải hiểu được các ứng dụng AI đặc thù so với ứng dụng truyền thống, cũng như cần xác định rõ KPI và dự toán ngân sách, chi phí vận hành khi sử dụng các ứng dụng AI cho kinh doanh".
Thương mại XNK cũng nằm trong chuỗi giá trị của chuyển đổi số
Theo ông Nguyễn Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty VAT Coporation, hiện nay, lợi thế cạnh tranh của doanh nghiệp trên thị trường hàng nông sản tập trung vào các yếu tố chính như: Chuỗi cung ứng bền vững, nguồn thu mua trực tiếp từ nông dân; việc kiểm soát chất lượng chặt chẽ, đáp ứng các yêu cầu của thị trường trong nước lẫn xuất khẩu ra các thị trường quốc tế; hệ thống đối tác và khách hàng quốc tế mạnh mẽ đã giúp sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ngày càng vươn xa hơn.
Theo đó, VAT hiện nằm trong chuỗi bao tiêu của những thị trường quốc tế như Trung Quốc, châu Âu, Mỹ và Trung Đông. Thông qua các ký kết hợp tác về xuất nhập khẩu, VAT sẽ xúc tiến các hạng mục bao tiêu vùng nguyên liệu từ các địa phương thông qua hệ thống sàn TMĐT cũng như làm việc trực tiếp với người nông dân trực tiếp sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Hà, Tổng Giám đốc Công ty VAT Coporation chia sẻ về lợi thế của nông sản Việt Nam trên thị trường xuất khẩu. Ảnh Tú San
"VAT Corporation sẽ xúc tiến hợp tác với nông dân, hợp tác xã và doanh nghiệp sản xuất để tạo ra vùng nguyên liệu bền vững thông qua sàn TMĐT, theo đó sẽ làm hoạt động bao tiêu nông sản nhằm giảm rủi ro giá cả và đầu ra cho người nông dân sản xuất đáp ứng các tiêu chí chuẩn hóa tiêu chuẩn quốc tế như VietGAP, GlobalGAP. Đồng thời, VAT Coporation cũng kết nối giúp các doanh nghiệp nông sản trong nước tìm kiếm đối tác nhập khẩu, ký hợp đồng dài hạn và mở rộng hệ thống phân phối xuất khẩu tại các thị trường lớn như EU, Mỹ, Nhật Bản" - ông Nguyễn Văn Hà chia sẻ.
Theo: danviet.vn